Thursday, April 9, 2015

Du lịch Alaska - Alaska - Nắng nửa đêm

Du lịch Alaska - Nói đến Alaska, thường thì người ta mường tượng đến vùng đất xa xôi hẻo lánh ở Bắc cực trên đầu trái đất với rừng núi trùng điệp trập trùng phủ tồn màu trắng của tuyết, với những bộ lạc mọi da đỏ hay với những thổ dân Eskimo thường xuất hiện trong hình ảnh với những bộ trang phục phủ kín người làm bằng lông thú. 


Nhưng một khi bạn đã ghé đến Alaska vào mùa hè bạn sẽ không thể nào hình dung rằng đấy là Alaska trong sự tưởng tượng của bạn. Herry Gannett - nhà địa lý nổi tiếng của Mỹ, người đã có công đóng góp rất về việc xây dựng bản đồ địa lý của nước này đã đặt chân đến Alaska và tuyên bố một câu lưu truyền cho đến bây giờ: "Bạn nào còn trẻ, hãy đợi đấy. Bạn nào tóc đã hoa râm, tranh thủ và tìm mọi cách đến với Alaska!" Câu nói đó không sai.

XUÂN

Khi xuân đến, tuy vẫn còn dư âm của mùa đông, nhiều nơi vẫn còn ứ đọng màu trắng của tuyết nhưng những tảng băng phủ trên mặt hồ bắt đầu tan dần. Tiếng chảy róc rách của suối và ánh nắng xuân rực chiếu làm nổi bật vẻ đẹp màu xanh của lá và những sắc màu của hoa đang đâm chồi trên nền trắng của tuyết tạo thành một bức tranh đẹp tuyệt vời khó tả. Bạn có thể nghe tiếng chim ríu rít trên những cành cây thông. Sự nhường lối của mùa đông băng tuyết cho mùa xuân xanh cây lá ở Alaska diễn ra rất âm thầm, nhẹ nhàng và kín đáo. Nhưng nếu bạn có mặt ở đấy, bạn hãy đứng im, hòa mình vào thiên nhiên. Con người dù khó tính đến đâu cũng không thể nào thốt khỏi sự bồi hồi rung cảm khi chứng kiến cảnh đông qua xuân đến ở Alaska.

HẠ

Rồi mùa hè. Mùa hè của bao nhiêu sự đợi mong. Mùa hè sôi nổi của thiên nhiên. Mùa xuân vẫn còn nán níu, bằng chứng là những cánh hoa mùa xuân sót lại chưa chịu tàn phai. Mùa đông cũng thế, vẫn còn đứng chót vót ở đâu đấy, trắng xóa, trên đầu những ngọn núi cao lêu nghêu, xa xăm nhìn xuống ba mùa anh em xuân, thu, hạ, luyến tiếc chờ đợi đến thời gian, khoảnh khoắc huy hoàng của riêng mình. Mùa hè không ngủ. Đúng! Mùa hè làm gì có đêm mà ngủ. Những người say mê thiên nhiên được nghe tiếng cá nhảy lách chách, khi thì ầm ầm trên mặt nước, bị lơi kéo như thế thì sao có thể ngủ và như hiểu được tâm trạng đấy, mặt trời cũng chẳng thèm đi ngủ. Duy nhất vào mùa hè bạn sẽ hưởng được những giây phút không ngủ. Mẹ vợ của em trai tôi kể, bà đi bộ tập thể thao vì trời mát và sáng nên bà mải mê đi miết. Cả nhà cuống quýt gọi điện khắp nơi tìm kiếm. Chút nữa là gọi cảnh sát báo mất tích. Thì ra đã là ba giờ sáng nhưng vì trời còn sáng như là năm sáu giờ chiều nên bà quên cả thời gian. Bởi thế mới có một từ mà thỉnh thoảng ta có nghe trong ca từ là "midnight sun", có nghĩa là "nắng nửa đêm" (gọi nắng thôi chứ "trời nửa đêm" nghe kỳ lắm). Thoạt đầu khi nghe, ngỡ như là đùa nhưng khi bạn ở đây, vào mùa hè, bạn sẽ hiểu và thấm được từ "nắng nửa đêm" là gì.

12 GIỜ ĐÊM MÀ NHỮNG 
TIA NẮNG CÒN ÚNG VÀNG TRÊN ĐẦU 
NGỌN CÂY, TRÊN ĐẦU NGỌN NÚI. 
NHƯ LÀ CHUYỆN THẦN TIÊN!

THU

"Em không nghe rừng thu, lá thu rơi xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô" nếu như thi sĩ Lưu Trọng Lư còn sống và có mặt ở đây, chắc ông ta sẽ quên hết tất cả và chỉ biết thiên nhiên nhất là vào mùa thu của ông. Nai vàng đạp trên lá vào mùa thu ở Alaska chưa đủ nói lên cái đẹp mà hãy đến và nhìn mùa thu của Alaska vì nai đạp trên lá đã đẹp rồi nhưng còn những chiếc lá thu theo gió chờn vờn lướt trên mặt hồ thì sao? Hay nhìn mặt hồ thu như là nhìn vào một bức tranh vì chúng ta có thể thấy cả bầu trời trong vắt xanh thăm thẳm hòa lẫn với màu đỏ, màu vàng của cây lá phản chiếu ngay trên mặt hồ? Chuyện kể lại. Có một người họa sĩ lặn lội đến một cái hồ để họa tranh. Đến đây, ông ta ngắm nhìn chăm chú một hồi rồi tự nhiên quẳng hết giá vẽ, bút cọ vào trong mặt hồ. Cảnh sát đến lập biên bản hỏi ông ta lý do gì ông ta vi phạm tội xả rác như thế. Người họa sĩ chỉ vào mặt hồ nói lớn: "Các ông hãy nhìn xem, mặt hồ thu đẹp như thế kia, làm thế nào mà tôi có thể vẽ đẹp hơn thế được nữa chứ!" Cuối hè và đầu thu là thời gian nhộn nhịp nhất của các tay câu cá salmon (cá hồi). Chúng ta thường hình dung con cá hồi là loại cá to bằng cánh tay thường hay vượt suối, sông và thác. Bỏ thân vượt lên đầu nguồn để đẻ. Ở Alaska có 5 loại salmon. Loại cá salmon này người Việt Nam mình thường hay nhầm lẫn với loại cá "trout" mà chúng ta cũng gọi là cá hồi. Cá trout là loại cá cùng một họ hàng với cá salmon nhưng nhỏ hơn nhiều tuy có con khi ra đến biển cũng biến dạng lớn không kém gì cá salmon, đến lúc đấy nó không còn được gọi là trout nữa mà có tên khác là "Steelhead". Khi thành steelhead thì giống cá này trở thành "hàng bén" (theo nghĩa của em tôi đang sống ở đây đó là hàng quý hiếm hoặc mắc tiền). Hiếm đến mức nếu bắt được steelhead là phải thả ngay lập tức nếu như tiếc năm trăm đơ tiền phạt và phải ra hầu tòa.King (Chinook) salmon là giống cá to nhất của cá salmon có con to bằng một con người. Có con nặng đến 50 kg. Kế đến là Sockeye (red) salmon. Con này có con lớn đến 20 kg. Đặc điểm là khi cùng với con cái vượt cạn, con đực thành màu đỏ huyết. Rồi đến Coho (silver) salmon. Con này to hơn con red. Có con to đến 25 kg trở lên. Con Chum (dog) salmon cũng to tương tự rồi cuối cùng là con Pink (humpy) salmon. Loại này là loại nhỏ nhất của giống salmon. Lớn lắm chỉ độ 4 hoặc 5kg. Trong phim ảnh chúng ta thường thấy gấu hay bắt là loại cá này. Người Việt ở đây không thích bắt loại cá đó. Họ chê nhỏ. Người Mỹ thì thu hoạch trứng để bán cho người nước ngoài nhất là Nhật với giá rất "bèo" nhưng khi về đến nước tại thì người ta chế biến thêm rồi cho một cái giá cao tới... trời.

ĐI CÂU CÁ SALMON Ở ALASKA RẤT VUI 
NHƯNG KHÔNG KÉM HỒI HỘP VÌ CHÚNG TA 
PHẢI ĐÁNH BẮT CÁ CHUNG VỚI GẤU RỪNG.

Có 3 loài gấu ở Alaska. Nhỏ nhất là gấu đen. Kế đến là gấu nâu và lớn nhất là gấu trắng của Bắc cực. Gấu trắng đực có con nặng hơn tấn. Khi gặp gấu, điều thứ nhất là không được hốt hoảng, nhẹ nhàng từ từ lùi lại. Nếu la ĩ và bỏ chạy thì nguy cơ bị gấu rượt đến 99,9 phần trăm. Gấu chạy rất nhanh. Khác với mọi người tưởng khi nhìn thấy thân hình to lớn kệch cỡm của chúng. Nếu như không bị cảnh sát thổi còi vì chạy quá tốc độ, gấu có thể chạy đến 30 dặm tức gần 50 cây số một giờ. Tháng rồi, có một nhóm đang câu thì có chú gấu trong rừng đi ra tỉnh bơ đến xách thùng cá của một quý bà. Bà ta rượt theo chú gấu và đòi lại thùng cá. Chú gấu gầm gừ tay quắp một con, miệng vội ngoặm một con rồi chạy lui vào rừng. Bà ấy may. Gặp phải con gấu có trình độ, biết lý lẽ, biết suy nghĩ biết con người xâm phạm lãnh thổ, trơ trơ lấy đất, chiếm rừng, cướp sông ngòi của nó, nó "tát" cho một phát là... vỡ mặt. Cuối thu trở nên thư giãn hơn. Những môn thể thao trượt nước, đua tàu, câu cá mạnh mẽ bắt đầu nguội dần nhường vào đấy là những môn đi bộ, đi núi nhẹ nhàng. Nếu như mùa thu ở Alaska buổi chiều vàng úa trong rừng không có bầy muỗi thiếu ăn, con nào con nấy to bằng con ruồi thì chắc người thi sĩ sẽ không buồn về nhà. Mặc dù biết ở bất cứ đâu cũng có cái riêng và cái đẹp xen lẫn với cái độc của nó nhưng nếu phải chọn giữa con muỗi ở rừng Alaska hoặc con vắt ở rừng U Minh thì theo bạn chúng ta nên chọn con nào? Muỗi còn có thuốc xịt chứ vắt thì có mà vắt giò lên cổ mà chạy. Có thế chúng ta phải trân trọng những chiến sĩ ngày đêm lặn lội trong rừng sâu để bảo vệ môi trường và biên giới của chúng ta.

ĐÔNG

Đông sang, cái mùa ấn tượng đến mức khi người ta nghĩ đến Alaska là nói đến tuyết, xứ sở, giang sơn của tuyết. Khi những con gấu nâu, đen và trắng đã thu người trong hang của chúng để ngủ cho qua mùa đông thì các con thú nhỏ như thỏ, nai, hươu thoải mái hơn.

Mặc dù chúng chẳng thể nào thoát khỏi tầm nhìn của ó, cú vọ và sói. Con sói đẹp nhất vào mùa đông vì bộ lông của nó hòa lẫn với màu trắng của tuyết tạo nên một cái màu xám trắng rất đẹp. Dường như đôi mắt của sói có thần hơn vào mùa đông. Người bản xứ kể lại khi gặp sói nhìn chằm chặp vào con mồi. Con mồi tự dưng cứng người như bị thôi miên. Khi thấy "đau" thì đã muộn. Mùa đông thì những trò chơi thể thao của mùa băng giá cũng rộn ràng không kém. Khắp nơi trên thế giới người ta đổ xô đến Alaska để hưởng cái không khí mùa đông và để tận dụng tất cả những thú vui mà băng tuyết có thể đem lại. Những mặt hồ bị đóng băng dày cộm trở thành sân trượt băng thiên nhiên. Bạn sẽ đau tim khi biết rằng chàng phi công đang chuẩn bị đáp cũng là tay trượt băng có hạng mà giày trượt của anh ta không gì khác hơn là chiếc boeing mà bạn đang ngồi đấy!

Với diện tích 1,046.000 km2. Alaska sở hữu: 3000 ngàn con sông 2 đại dương và 3 mặt biển 5 vùng: Inside Passage, Interior, Far North, Southwest và Southcentral. 100 ngàn sông băng 4 thổ dân: Eskimo, Aleuts, Athabascan và Tlingit Indians 39 dãy núi và núi Mc Kinely đứng vị trí là ngọn núi cao nhất nước Mỹ luôn cả Bắc Mỹ. Muôn vạn thú vật, cá, đặc biệt là cá voi, cá ông, cá hồi, cá lưỡi trâu, cá bóng mú, hươu sừng to, gấu, chim chóc. Và 3 triệu hồ thiên nhiên đầy ắp cá. Thế nhưng để có được một Alaska như ngày hôm nay không phải là chuyện đơn giản vì trước đây nét đẹp của Alaska đã bị bàn tay con người tàn phá tàn nhẫn. Năm 1741 dẫn đầu nhóm thám hiểm để mở rộng bờ cõi của Nga là ông Vitus Bering đặt bước chân đầu tiên của người da trắng lên vùng đất Alaska. Những năm kế tiếp người Nga đã biến Alaska thành nơi săn bắn thú hoang dã, cá, cá voi và trao đổi lông thú. Lúc bấy giờ Anh, Tây Ban Nha, và Mỹ cũng thích thú muốn tìm hiểu nhưng họ đã muộn vì Alaska đã thuộc về Nga.

Hơn 125 năm sau, thấy Alaska không còn gì thu hút và đem lợi cho người Nga được nữa, kinh tế Nga đang suy sụp, không thể cưu mang Alaska, Bộ trưởng kinh tế Hoa Kỳ ông Wiiliam H. Seward chụp ngay cơ hội dặm hỏi mua Alaska. Năm 1867, Nga đồng ý với giá bán là 2 hào một mẫu đất. Người Mỹ bất ngờ với quyết định của ông Seward. Trong thời kỳ khó khăn cho toàn thế giới, lại phải bỏ ra hơn 7 triệu đô để mua một vùng đất toàn rừng núi xác xơ và băng tuyết là việc hết sức điên rồ. Họ cho rằng ông đã hành động một cách rất dở hơi. Họ chế giễu, nhạo báng ông và đặt tên cho việc quyết định mua bán của ông là "Seward’s Folly" có nghĩa là sự dở hơi của Seward. Câu nói này vẫn còn lưu truyền đến ngày nay trong văn hóa người Mỹ.

Nhưng đối với ông Seward, bỏ ra 7 triệu 2 trăm ngàn để mua một vùng đất mà con cháu người Mỹ sẽ được thừa hưởng từ đời này sang đời khác là một việc phải làm cho dù cả nước Mỹ phản đối. Như một nhà đạo diễn hình dung ra trước được cuốn phim trong đầu, như một họa sĩ đã thu thập hết hình ảnh trong bộ nhớ, mặc cho dân chúng phê phán, ông William Seward nhất quyết nhận trách nhiệm cho việc mua bán Alaska. Biết là Alaska đang xơ xác bởi sự tàn phá của con người, biết là Alaska không còn có gì để dâng hiến cho con người được nữa nhưng ông William Seward hiểu được giá trị của Alaska nếu như cai quản tốt, có luật pháp bảo vệ và ngăn chặn sự tàn phá mà nhất là luật của Hoa Kỳ thì chỉ cần 100 năm thôi là tất cả sẽ được khôi phục. Rừng núi, sông ngòi, cây cối sẽ mọc lại và những loại thú tưởng như gần tuyệt chủng cũng sẽ hồi sinh. Ông Seward đã sống trước 100 năm để thấy điều đấy. Ông đã thấy được sắc đẹp và kho báu vô cùng tận của Alaska.

Ông đã hành động đúng theo quan niệm: "rừng phải là vàng mà biển phải là bạc". Ngày hôm nay Alaska trở lại, đẹp và hiện hữu như một vùng đất thần tiên, như nàng công chúa lọ lem tháo bỏ được bộ đồ bẩn thỉu nhem nhuốc. Nhìn thấy Alaska, người Mỹ cảm động, trân trọng và yêu quý cha ông của họ hơn bao giờ hết. Họ hiểu hơn những gì cha ông họ đã đấu tranh để cho họ và cho cả ngàn thế hệ sau. Qua nền tảng của sự giáo dục, thế hệ trẻ người Mỹ tự hiểu và họ sẽ bảo vệ những tài sản thiêng liêng này đến hơi thở cuối cùng.

Tôi không hình dung ra được gương mặt đẹp của ông William Seward trở nên như thế nào khi bị dân chúng Hoa Kỳ phản đối quyết định của ông và nhất là khi họ gọi ông là Seward dở hơi nhưng tôi có thể hình dung ra được nụ cười âm thầm nhưng rạng rỡ của ông khi ông trút hơi thở cuối vì ông đã nghĩ đến vận mệnh của thế hệ sau của người Mỹ. Tôi đã thấy được cuốn phim mà ông đã quay trong đầu về Alaska. Tôi nhìn ra được hình ảnh tuyệt vời của Alaska mà ông đã thấy những trăm năm về trước trong lúc Alaska còn là cô bé lọ lem. Hôm nay, đứng ở đây, 142 năm sau, ngay vùng đất mà ông đã đến, đã chia sẻ, và đã hy sinh danh dự cố gắng thuyết phục để có được cho dân tộc Mỹ ngày nay mà tôi đã thấy. Vâng tôi đã thấy Alaska trong màu sắc của "Nắng nửa Đêm".

Theo Sưu Tầm
2014 là năm đầu tiên Hoàn Mỹ tổ chức tour mới Alaska theo lộ trình liên tuyến Alaska -Vancouver - Rocky Mountains – Toronto. Tính đến thời điểm hiện tại, DL Hoàn Mỹ là công ty đầu tiên và duy nhất khai thác đường tour rất độc đáo này. Tour sẽ khởi hành từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.
Du khách có thể tham khảo:

Công ty Du lịch Hoàn Mỹ – 273B An Dương Vương, P.3, Q.5, TP.HCM – ĐT: 08 38 336 336, Hotline: 0938 336 336 – Website: www.dulichhoanmy.com

0 comments:

Post a Comment